|
Minh họa: Hồng Quân |
Thế giới không phẳng
Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư thành công nhất thế giới, có lần
đã nói mọi thứ tốt đẹp đến trong cuộc đời ông là nhờ ông sinh ra đúng nơi (nước
Mỹ) và đúng lúc (1930). Quả thật, 25 năm trước, lúc
The World
in 1988 xếp hạng 50 quốc gia tốt nhất để sinh ra khi ấy, nước Mỹ đứng đầu
bảng. Nhưng nay thì đâu là nơi tốt nhất?
Đơn vị tổ chức xếp hạng - Economist Intelligence Unit (EIU) - cho biết
năm nay đã "tổ chức một thống kê nghiêm túc". Chỉ số chất lượng cuộc
sống của bảng xếp hạng này gắn kết quả của các nghiên cứu về sự hài lòng cuộc
sống có tính chủ quan - trong đó người thăm dò được hỏi họ hạnh phúc thế nào -
với những yếu tố quyết định có tính khách quan về chất lượng cuộc sống của
các nước. Dĩ nhiên, sự giàu có vẫn là tiền đề mạnh mẽ nhất nhưng không
phải là tất cả. Những yếu tố khác như tội ác, niềm tin vào các định chế công và
sự lành mạnh của đời sống gia đình vẫn có những tác động nhất định.
Tổng cộng có 11 chỉ số quan trọng nhất, trong đó có những nhân tố cố
định (như địa lý), những nhân tố thay đổi rất chậm theo thời gian (như nhân
khẩu học, nhiều đặc điểm xã hội và văn hóa); trong khi một số nhân tố khác lại
tùy thuộc vào chính sách và tình trạng kinh tế đất nước đó. Bảng xếp hạng này
sử dụng dự báo kinh tế của EIU cho năm 2030, tức cột mốc mà một đứa trẻ sinh ra
năm 2013 bước vào tuổi trưởng thành.
Năm quốc gia tốt nhất theo thống kê này, theo thứ tự từ 1 đến 5 là Thụy Sĩ,
Úc, Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch. Những nền kinh tế nhỏ dẫn đầu tốp 10, một nửa
trong số này là các nước châu Âu và trong số các nước khu vực đồng
euro chỉ có duy nhất Hà Lan lọt vào tốp đầu này. Mỹ, nơi những đứa trẻ
sinh ra năm 2013 sẽ phải thừa hưởng những món nợ khổng lồ của thế hệ cha anh
tiêu xài hoang phí, tụt xuống hạng 16. Và các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn
Độ, Trung Quốc), mặc cho sự năng động kinh tế cũng không ghi điểm tốt.
Việt Nam
trong bảng xếp hạng này được chấm 5,64 điểm và đứng hàng 68 (trong số 80 quốc
gia và lãnh thổ được xếp hạng). Từ châu Á, Singapore
dẫn đầu (hạng 6), tiếp theo là lãnh thổ Hong Kong
(10), Hàn Quốc (19) và Nhật (25).
Giới thiệu bảng xếp hạng, Laza Kekic, giám đốc bộ phận dự báo quốc gia của
EIU, đã đưa ra vài gợi ý cho những cuộc tranh luận quanh bảng xếp hạng
này. Ông nhắc lại năm 1988, khi Mỹ giữ vị trí quán quân, đã có người mai
mỉa về "nhân tố Philistia" (người định cư ở Philistia thế kỷ 12 trước
Công nguyên, ở đây hàm ý chỉ thiên về đời sống vật chất mà nghèo nàn về tinh
thần) và "chỉ số Yawn" (tuy có nhiều ưu điểm nhưng lại rất
buồn chán). Ông nhắc lại hai chỉ số này cho trường hợp Thụy Sĩ năm nay.
Trong bộ phim
Người thứ ba (do Orson Welles đạo diễn năm 1949), nhân
vật Harry Lime có câu nói nổi tiếng là: "Nước Ý trong 30 năm dưới thời
giáo triều Borgia đã có chiến tranh, khủng bố, tội ác... nhưng lại
sản sinh ra Michelangelo, Leonard de Vince và thời kỳ Phục hưng; còn Thụy Sĩ
trong suốt 500 năm hòa bình và dân chủ chỉ sản xuất có mỗi đồng hồ đánh chuông
cúc cu!". Vậy thì bạn sẽ chọn sống ở đâu? Một đất nước tốt đẹp nhưng buồn
chán hay một đất nước đầy biến động với những tài hoa?
Dù sao, đâu có đứa bé nào có thể chọn nơi nó sinh ra! Chẳng trách bảng xếp
hạng được
The Economist gọi tên là "Xổ số cuộc đời".
Một trong những công cụ được EIU
sử dụng là cuộc thăm dò Gallup
năm 2006 xếp hạng “Sự hài lòng cuộc sống” của 130 quốc gia.
Các biến số độc lập trong việc dự
báo “Sự hài lòng cuộc sống” này bao gồm: GDP đầu người, tuổi thọ, chất lượng
đời sống gia đình (dựa trên mức ly dị), bảo đảm công ăn việc làm (đo bằng mức
thất nghiệp), khí hậu (đo bởi hai biến số: độ lệch bình quân của nhiệt độ tối đa
và tối thiểu hằng tháng từ 140C; và số tháng trong năm có lưu lượng mưa dưới
30mm), xếp hạng an toàn thực thể cá nhân (dựa trên số vụ án giết người ghi nhận
được cùng với đe dọa tội ác và khủng bố); chất lượng đời sống cộng đồng (dựa
trên việc tham gia của cá nhân vào các tổ chức xã hội), trình độ quản trị (dựa
trên xếp hạng tham nhũng), bình đẳng giới (đo bằng số ghế của nữ đại biểu trong
quốc hội).
|
TTCT trích giới thiệu bảng xếp hạng này. |