Trang

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Xót xa cái chết của những con chim phóng sinh trong mùa Vu Lan

Có những chú chim được thả đi và bắt lại nhiều lần nên không còn sức bay nữa. Như các đồng loại đáng thương của mình, nó nằm đó và chờ bị bắt lại, để rồi lại được bán cho những người tới mua chim phóng sinh...

Phóng sinh động vật từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa, là hành động đầy tính nhân văn của người Việt, nhất là đối với những người con nhà Phật và trong các tháng rằm lớn đặc biệt như mùa Vu Lan báo hiếu.

Theo thuyết nhà Phật, phóng sinh tức là giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống của chúng sinh (điển hình là các loài vật như chim, cá…). Và khi phóng sinh cần có lễ quy y, sám hối cho con vật. Nghi lễ này thường diễn ra ngắn gọn nhưng đủ sức tế độ, không câu nệ kéo dài thời gian khiến con vật càng thêm đuối sức và có thể chết đi trong lúc làm lễ.

Xót xa cái chết của những con chim phóng sinh trong mùa Vu Lan 1
Cảnh mua bán chim phóng sinh tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP HCM) trong dịp lễ Vu Lan chiều 20/8.

Xót xa cái chết của những con chim phóng sinh trong mùa Vu Lan 2
Cận cảnh những chú chim tội nghiệp bị nhốt trong lồng sắt.
Tin vào đạo lý này, nhiều người mộ đạo và có lòng từ bi thường đến chùa mua chim phóng sinh trước và sau khi cầu nguyện – mong trời đất ghi nhận lòng thành và tích đức qua hành động đẹp này. Tuy nhiên, hành động đẹp được khuyến khích, động viên trong kinh sách từ ngàn năm nay hiện giờ đã không còn giữ nguyên được những giá trị tốt đẹp ban đầu mà đang bị biến tướng. Sự biến tướng đó là một công nghệ đầy tội ác đến từ những con người kinh doanh, buôn bán chim phóng sinh.
Nếu như, người ta bẫy chim – lưới cá để ăn thịt và bạn đến mua lại chúng, giải thoát chúng về với cuộc sống thiên nhiên vốn dĩ chúng phải được sống thì đó là phóng sinh làm phúc. Nhưng công nghệ đánh bắt chim với chủ ý buôn bán cho người phóng sinh và kèm theo đó là hàng ngàn cách làm đầy thâm độc để lũ chim không bay được đi xa, tiện cho việc đánh bắt lại của những người bán chim – thì đó rõ ràng không đơn thuần là việc thiện nữa. Mà đúng hơn, chân thật hơn – người ta gọi đó là tội ác. Chúng ta, vì những lầm tưởng trầm trọng về việc phóng sinh mà đã vô tình gây nên tội lỗi.
Xót xa cái chết của những con chim phóng sinh trong mùa Vu Lan 3Mỗi khi có người mua, chim phóng sinh bị người bán bóp chặt khi bắt ra khỏi lồng.
Xót xa cái chết của những con chim phóng sinh trong mùa Vu Lan 4
Do bị cắt cánh, đánh thuốc nên chim không thể bay cao, bay xa mà chỉ có thể bay la đà, thậm chí là đứng im, nằm một chỗ trên sân chùa.
Xót xa cái chết của những con chim phóng sinh trong mùa Vu Lan 5
Có thể dễ dàng bắt lại những con chim phóng sinh yếu ớt này.
Xót xa cái chết của những con chim phóng sinh trong mùa Vu Lan 6
Với giá bán 15.000 đồng/con, một lồng chim cứ bán ra rồi bắt lại để bán tiếp như thế này có thể đem lại lợi nhuận cả chục triệu đồng cho những người kinh doanh chim phóng sinh.
Người viết đã từng có lần vô tình leo lên một ngọn đồi ở Tây Ninh trong chuyến đi chụp ảnh và thật đau xót khi chứng kiến cảnh hàng trăm, hàng ngàn con chim se sẻ chết tươi – chết khô ở dưới một gốc cây cổ thụ lớn. Đó là một cảnh tượng hãi hùng và đau thương thật sự đối với tất cả những người trong đoàn. Theo một số người dân trong khu vực cho biết, đa số chim chết trên đồi là do kiệt sức vì bị đánh bắt và buôn đi bán lại nhiều lần. Đấy là những con chim may mắn (so với những con bị đánh thuốc khác) vì còn có thể chết nơi núi rừng, nơi chúng sinh ra và luôn mong muốn được tồn tại.
Đa số những con chim bất hạnh sau khi bị đánh bắt thì chỉ có “chết trong tù”. Chúng được cho ăn một loại thuốc khiến chúng yếu đi, chỉ bay được là đà trên khuôn viên sân chùa và ngay sau đó vài phút sẽ bị bắt lại, nhốt vào lồng và bán cho người thứ n, lần thứ n… cho đến khi chết.
Xót xa cái chết của những con chim phóng sinh trong mùa Vu Lan 7
Những con chim hoảng loạn, dồn về một góc lồng chờ chết.
Xót xa cái chết của những con chim phóng sinh trong mùa Vu Lan 8
Một chú chim chết ngay trong lồng.
Xót xa cái chết của những con chim phóng sinh trong mùa Vu Lan 9
Xác một con chim phóng sinh nằm vất vưởng dưới bậc thềm.
Xót xa cái chết của những con chim phóng sinh trong mùa Vu Lan 10
Một con chim phóng sinh chết ngay trên sân chùa và tan xác vì những bàn chân dẫm đạp của khách đến viếng chùa.
Các bạn, đã bao giờ bỏ ra 5 phút đứng nhìn lũ chim bị nhốt chật cứng trong lồng ở các đền chùa và các tụ điểm phóng sinh chưa? Con gãy cánh, con một chân, con mù mắt, con gần trụi lông, và những con lờ đờ yếu đuối không thể đứng nổi… Khi có khách hàng, người bán sẵn sàng thò tay vào nắm đầu cả đám chim lôi ra ngoài và đếm đếm, tính tiền thật hả hê – mặc cho tiếng kêu hoảng loạn và đầy đau đớn vì bị bóp nghẹt của chúng.
Vậy chúng ta, những người bỏ tiền ra mua chim phóng sinh là tạo đức hay tạo nghiệp – khi lũ chim vô tội kia bị bắt, bị đánh thuốc cho đến chết là vì nhu cầu của chính chúng ta, những người luôn nghĩ mình tích đức vì chúng? Chắc câu trả lời ở mỗi người đều có. Chỉ mong rằng giới trẻ sẽ có cái hiểu đúng hơn và thực tế hơn về việc thiện ở đời. Thiện tâm là tốt, nhưng thiện tâm vẫn cần có ý thức và tri thức thì mới là đủ.

Xót xa cái chết của những con chim phóng sinh trong mùa Vu Lan 11
Sau mùa lễ Vu Lan báo hiếu, đa số chim phóng sinh sẽ bị chết vì kiệt sức.

Xót xa cái chết của những con chim phóng sinh trong mùa Vu Lan 12
Phóng sinh như thế bằng mười sát sinh!


“Truyền thống phóng sinh chim giờ đây là một việc làm độc ác cần xóa bỏ” là một lời thỉnh cầu thật sự chính đáng và cần được thực hiện ngay từ bây giờ để cứu những chú chim vô tội, nếu bạn là một người thiện tâm đúng nghĩa. Vì phóng sinh như thế, bằng mười sát sinh.

Vy Trần - Theo Trí Thức Trẻ  21/08/2013  

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Nghệ Thuật Sống


Description: http://www.oldcottage.net/vuonthien/songthien/nghethuatsong2.jpg
  Osho
“Đời sống” không phải chỉ đơn giản là già đi (growing old)
Mà “Đời sống” phải là lớn lên và trưởng thành (growing up).
Và đây là hai điều hoàn toàn khác biệt.
Trở nên già, mọi con vật đều có khà năng như thế. Còn trưởng thành lại là đặc quyền riêng của loài người. Nhưng tiếc thay chỉ có một ít người đòi hỏi cái đặc quyền đó.


Câu hỏi : “Thày vừa nói rằng đa phần nhân loại chỉ sống như là thực vật. Làm ơn hãy giải thích về cách sống thế nào để cái chết có thể trở thành một lễ hội.”
Osho trả lời :

Con người sinh ra để hiện thực cuộc sống, nhưng điều đó còn tùy vào anh ta. Anh ta có thể thở, có thể ăn, có thể đi, có thể già, và có thể tiến dần tới nấm mộ…nhưng điều này không phải là “cuộc sống”. Cái này gọi là sự chết dần từ cái nôi đến nấm mộ, chính xác là cái chết mòn trong bảy mươi năm.
Bởi vì hàng triệu người quanh bạn đang chết trong cái kiểu chết dần mòn này, cho nên bạn cũng bắt chước họ. Trẻ con thì học mọi thứ từ những người xung quanh, mà xung quanh thì toàn là sự chết.
Cho nên điều đầu tiên bạn phải hiểu đời sống (life) có nghĩa gì?
“Đời sống” không phải chỉ đơn giản là già đi (growing old)
Mà “Đời sống” phải là lớn lên và trưởng thành (growing up).
Và đây là hai điều hoàn toàn khác biệt.
Trở nên già, mọi con vật đều có khà năng như thế. Còn trưởng thành lại là đặc quyền riêng của loài người. Nhưng tiếc thay chỉ có một ít người đòi hỏi cái đặc quyền đó.
Lớn lên và trưởng thành (growing up) có nghĩa là sống từng khoảnh khắc sâu trong nguyên lí của đời sống. Điều đó có nghĩa là đi thoát ra khỏi sự chết, chứ không phải đi dần đến sự chết. Bạn càng đi sâu vào sự sống, bạn càng nhận ra cái bất tử của chính bạn. Có một khoảnh khắc nào đó bạn sẽ nhận biết rằng sự chết chẳng là cái gì, cũng giống như thay đổi quần áo, thay đổi nhà cửa, thay đổi hình dạng…chẳng có cái gì chết, và chẳng có cái gì có thể chết.
Sự chết là một ảo giác lớn nhất của con người.
Để trưởng thành hãy nhìn cái cây. Khi cái cây lớn rể của nó mọc sâu. Đó là sự cân bằng, cây càng lớn rễ càng sâu; rễ nhỏ không chịu nổi sức nặng của cây lớn.
Trong đời sống trưởng thành (growing up) là mọc sâu (growing deep) vào trong chính bạn
Với tôi, nguyên lí đầu tiên của đời sống là thiền định (meditation). Mọi điều khác là thứ cấp. Và tuổi thơ là thời gian đẹp nhất. Khi bạn già hơn, gần cái chết hơn, bạn càng khó khăn hơn để đi vào thiền định.
Thiền định có nghĩa là đi vào sự bất tử của bạn, vào sự vĩnh hằng của bạn, đi vào bản chất thần thánh của bạn. Trẻ con là con người đầy đủ phẩm chất nhất cho thiền định bởi vì trẻ con chưa bị chất nặng bởi giáo dục, kiến thức, tôn giáo hay bởi nhiều loại rác rưởi khác. Trẻ con thì ngây thơ, vô nhiễm, vô tội (tiếng Anh chỉ dùng có có một chữ là innocent) Nhưng bất hạnh thay sự ngây thơ của trẻ con bị coi giống như là không hiểu biết (ignorant).
“Không hiểu biết” và “ngây thơ” cũng có chỗ giống nhau như chúng không phải là một. Ignorance là tình trạng không biết, giống như ngây thơ. Nhưng có một khác biệt lớn mà cả nhân loại đến bây giờ cũng không biết. Ngây thơ là không có kiến thức nhưng không hề khao khát có được kiến thức. Ngây thơ tự nó tròn đầy ý nghĩa.
Một đứa con nít không có tham vọng, không có ước vọng. Nó luôn luôn sống hết mình trong từng khoảnh khắc sống của nó… Một con chim bay qua, đứa trẻ nhìn không chớp mắt; hay chỉ thoáng thấy một con bướm màu sắc đẹp cũng đủ để đứa trẻ hát ca. Với một cái cầu vổng trên trời, đứa trẻ sẽ ngây ngất như không còn biết điều gì huy hoàng hơn nữa. Cũng cảm giác như thế đến với trẻ con, khi chúng nhìn thấy trăng sao vằng vặc trong đêm tối mênh mông.
“Ngây thơ vô nhiễm” là tinh khiết, là tràn đầy, là giàu có.
“Không hiểu biết” là nghèo nàn là ăn xin…là tôi muốn điều này, tôi muốn điều kia, tôi muốn được hiểu biết, tôi muốn được kính trọng, tôi muốn được giàu sang, tôi muốn được quyền lực.
Không hiểu biết (ignorance) đi trên con đường của khát khao.
Ngây thơ vô nhiễm (innocence) là trạng thái không hề khát khao.
Nhưng bởi vì cả hai trường hợp cùng là tình trạng không có kiến thức (knowledge) nên chúng ta thường lầm lẫn và qui kết rằng chúng cũng như nhau.
Bước đầu tiên trong nghệ thuật sống là nhìn thấy cái ranh giới phân biệt giữa cái không hiểu biết(ignorance) và sự ngây thơ vô nhiễm (innocence). Sự ngây thơ vô nhiễm phải được cũng cố và bảo vệ, bởi vì đứa trẻ được sinh ra với sự ngây thơ nghĩa là với một kho báu lớn, cái kho báu mà các nhà thông thái phải đi tìm cả đời với nổ lực nhọc nhằn. Các minh sư thường nói rằng họ đã trở lại trẻ thơ một lần nữa, họ đã được tái sanh.
Ở Ấn độ một người Bà la môn thực sự, nghĩa là một người hiểu biết thực sự, tự gọi mình là Dwij, nghĩa là được sinh hai lần. Tại sao lại được sinh hai lần? Cái gì đã xảy ra trong lần sinh thứ nhất? Tại sao cần phải có lần sinh thứ hai? Lần sinh thứ hai ông ấy được gì? Trong lần sinh thứ hai ông ấy lấy lại tất cả những cái ông ta đã có trong lần sinh thứ nhất, nhưng cái mà cha mẹ, xã hội, và tất cả những người xung quanh đã hủy diệt và triệt tiêu chúng.
Trẻ con đang bị nhồi nhét đầy ắp những kiến thức. Cái đơn thuần và trong sáng vì thế bị cướp mất, lí do là ai cũng biết cái đơn thuần không giúp được gì cho đứa trẻ trong cái xã hội cạnh tranh này. Một đúa trẻ đơn thuần (simple) thường bị coi là ngốc nghếch, và đứa trẻ ngốc nghếch sẽ bị cuộc đời lợi dụng và bóc lột. Sợ hãi xã hội, sợ hãi thế giới, chúng ta tự thay đổi mình để thích ứng và cũng muốn làm cho trẻ con trở thành thông minh, sắc xảo, đầy kiến thức, để chúng được hội nhập vào thế giới quyền lực mạnh mẽ, chứ không để chúng rơi vào sự yếu kém hay bị áp bức. Và một khi đứa trẻ lớn lên sai định hướng, nó sẽ tiếp tục con đường sai lầm đó, cả cuộc đời nó sẽ tiếp tục bị sai lầm.
Bất cứ khi nào bạn thấy rằng dường như bạn đã đánh mất cuộc sống, nguyên tắc đầu tiên là tìm lại sự ngây thơ (innocent).
Buông kiến thức xuống, quên hết kinh điển đi, quên tôn giáo đi, quên thần học và triết lí đi. Cố gắng để được sinh ra một lần nữa, trở lại ngây thơ… và điều này bạn có thể làm được, bằng cách: Tẩy sạch tâm trí của bạn, tẩy sạch tất cả những gì không phải là của bạn, tẩy sạch tất cả những gì vay mượn, tất cả những gì thuộc về truyền thống, qui ước, tất cả những gì thuộc về người khác như cha mẹ, thầy giáo, trường đại học…tẩy sạch, vất tất cả. Một lần nữa ta trở nên đơn thuần.
Điều diệu kì này có thể thực hiện được nhờ thiền định.
Thiền định chỉ là một phương pháp phẫu thuật lạ kì, nó cắt bỏ đi tất cả những gì không thuộc về bạn, chỉ để lại con người thực sự của bạn mà thôi. Thiền định thiêu hủy tất cả mọi thứ và để lại bạn như một con người trần trụi cô độc dưới ánh mặt trời. Để bạn thấy dường như mình là người đầu tiên sinh ra trên mặt đất, không hiểu, không biết một điều gì, người phải khám phá lại tất cả, phải tìm kiếm, phải hành hương.
Đời sống phải là cuộc truy tìm, không phải là một khát vọng. Đời sống là một tìm tòi, chú không phải là tham vọng để trở thành cái này cái nọ, như trở thành chủ tịch một quốc gia, một thủ tướng, một bộ trưởng. Sống là để tim ra Tôi là ai? Một điều rất lạ lùng là người ta thường không biết mình thực sự là ai, lại mong muốn trở thành một người như thế nào đó. Người ta không biết mình là ai ngay trong hiện tại, không quen thuộc với chính hiện hữu của mình nhưng bao giờ cũng muốn trở thành cái gì đó!
Trở thành một cái gì (becoming), đó là căn bệnh của tâm hồn.
Hiên sinh (being) mới chính là bạn.
Ngay lúc khám phá ra hiện sinh của mình thì đời sống bắt đầu. Rồi thì cứ mỗi khoảnh khắc sống của ta là một khám phá mới mẻ. Bất cứ một khoảnh khắc nào cũng là một niềm vui; Cánh cửa bí mật đã mở, tình yêu mới đâm chồi, đam mê mới xuất hiện, cảm xúc mới về cái đẹp, cái tốt. Bạn trở thành thật nhạy cảm, chỉ một cạnh sắc của lá cỏ cũng đem đến vô vàn cảm giác. Sự nhạy cảm làm cảm giác bạn rõ ràng đến mức dù là hiện hữu của chỉ môt lá cỏ cũng bằng như hiện hữu của một vì sao; không có lá cỏ này hiện sinh dường như thiếu đi; và bởi vì lá cỏ này là duy nhất không có gì thay thế cho nên nó có riêng tính cá thể của nó.
Sự nhạy cảm sẽ tạo nên nhiều tình bạn. Tình bạn với cỏ cây, với chim muông, với thú vật, với núi đồi, với sông suối, với đại dương và với cả những vì sao. Đời sống trở thành giàu có hơn vì tình yêu lớn dậy vì tình bạn lớn lên.
Cuộc đời của thánh Francis đầy những chuyện đẹp. Ngài thường phải đi trên một con lừa đây đó để chia sẻ những thể nghiệm của mình. Vị thánh sắp chết.Tất cả đệ tử vây quanh để nghe lời cuối của ngài. Lời cuối của một vị thày luôn luôn là điều gì tiêu biểu nhất vì nó chứa toàn bộ kinh nghiệm sống của thày. Nhưng các đệ tử không tin rằng mình đã nghe một điều như thế! Thánh Francis không nói gì với các đệ tử mà vấn an con lừa của ngài. Vị thánh nói: “Người anh em, tôi vô cùng mang ơn người anh em. Người anh em đã mang tôi đi khắp mọi nơi mà không hề than vãn, không hề càu nhàu. Trước khi rời bỏ thế giới này tất cả điều tôi muốn nói là xin hãy tha lỗi cho tôi; tôi đã không đối xử với người anh em bằng tình người chan chứa.”
Đó là những lời cuối của thánh Francis. Cảm xúc bén nhạy trong lời nói với con lừa, “người anh em”, “xin hay tha lỗi”. Nếu bạn nhạy cảm hơn, cuộc sống sẽ lớn hơn. Nó sẽ không là cái ao nhỏ mà là một đại dương. Nó không giới hạn ở vợ con của bạn, nó không có giới hạn. Toàn bộ hiên hữu này trở thành gia đình bạn. Và chỉ khi nào toàn thể hiện hữu trở thành gia đình, bạn mới biết sự sống là gì. Con người không phải là một hòn đảo cô độc, tất cả chúng ta đều có kết nối.
Chúng ta là một lục địa lớn, hội tụ từ trăm nẻo đường về. Nếu trái tim chúng ta không tràn đầy tình yêu cho cái toàn thể thì đời sống chúng ta sẽ phải ngắn hơn.
Thiền định sẽ làm cho ta nhạy cảm, ta sẽ cảm thấy mình gắn liền với thế giới. Thế giới là của chúng ta, trăng sao là của chúng ta, chúng ta không phải là người ngoài cuộc. Chúng ta thuộc về mọi tồn tại tự bên trong. Chúng ta là một phần và cũng là trái tim của tồn tại
Thứ nữa, thiền định sẽ mang đến bạn sự yên tĩnh trọn vẹn vì tất cả kiến thức rác rưởi đã ra đi. Các suy nghĩ, các ý tưởng (những cái cấu thành tri kiến) cũng ra đi…Một sự yên tĩnh mênh mông, và rồi bạn sẽ ngạc nhiên cái yên lặng này lại chính là âm nhạc. Tất cả các loại âm nhạc trần gian chỉ là cái thể hiện từ sự yên lặng bên trong. Các nhà thần bí đông phương đều cùng nhấn mạnh một điểm rằng: tất cả các nghệ thuật lớn như âm nhạc, thi ca, múa, hội họa, điêu khắc…đều sinh ra từ thiền định. Một cách nào đó có thể hiểu là các bộ môn nghệ thuật chính là những cái nằm trong thế giới không được biết bộc lộ ra ngoài thế giới đang được biết, và dành cho những ai chưa sẵn sàng cho cuộc hành trình trí tuệ của mình. Chúng là quà tặng cho những người chưa đi trên cuộc hành trình trí tuệ. Đôi khi một bản nhạc, một bức tượng…cũng có thể khơi dậy nỗi khát khao đi tìm nguồn cội. Bạn này, khi nào bạn bước vào ngôi chùa của Phật Thích ca hay ngôi đền của Mahavira, cứ ngồi yên lặng lẽ ngắm nhìn bức tượng. Bức tượng thì chả có lien hệ nào với Thích ca hay Mahavira, nhưng nó đã được làm và tính toán theo một tỉ lệ để mỗi khi bạn nhìn nó bạn sẽ rơi vào yên lặng. Đây gọi là thiền định với tượng.
Đó là lí do tại sao các bức tượng luôn giống nhau Mahavira, Gautama, Neminata, Adinatha…Hai mươi bốn vị thánh tăng của đạo Jaina…Trong cùng một ngôi chùa bạn sẽ thấy hai mươi bốn bức tượng giống nhau hoàn toàn. Hồi còn nhỏ tôi thường hỏi cha tôi “Cha giải thích cho con biết tại sao hai mươi bốn người lại cùng giống hệt nhau? Cùng kích thước, cùng cái mũi, cùng khuôn mặt, cùng thân hình”.
Cha tôi nói “Cha không biết, chính cha cũng ngạc nhiên tại sao chẳng thấy có chút khác biệt nào cả. Ai cũng nói trên đời này chẳng có đến hai người giống hệt nhau, nói chi đến hai mươi bốn người!”
Đến lúc tôi thành tựu thiền định, tôi đã tự tìm thấy câu trả lời. Câu trả lời là: Tất cả các bức tượng chẳng có liên hệ gì với những nhân vật, Tất cả các bức tượng chỉ liên hệ với những gì xảy ra bên trong các nhân vật, và cái bên trong đó thì hoàn toàn giống nhau. Chúng ta không phải quan tâm đến cái bên ngoài mà phải chỉ chú ý đến cái bên trong. Cái dáng vẻ bên ngoài không quan trong. Có người trẻ, có người già, có người đen, có người trắng, có đàn ông, có đàn bà…chẳng có gì quan trọng. Cái quan trọng là tất cả bên trong cùng là một đại dương yên lặng. Trong cái mênh mông yên lặng kia cơ thể thẻ hiện một tư thế nhất định nào đó. Bạn cũng đã từng quan sát chính bạn, nhưng chắc là bạn chưa nhận ra điều này: Khi bạn nổi giân, cơ thể bạn có một tư thế nào đó, hai bàn tay bạn không thể mở ra được, bạn chỉ có thể nắm chặt tay. Trong cơn giận bạn cũng chẳng có thể cười.
Với một cảm xúc nào đó, thân thể lại có tương ứng một tư thế nào đó. Những điều nhỏ nhặt ảnh hưởng sâu xa đến bên trong. Vì thế những bức tượng được tạo bằng một cách nào để mà bạn chỉ yên lặng ngồi, yên lặng ngắm nhìn, rồi khép mắt lại, một hình ảnh sẽ đi vào tâm bạn và bạn sẽ cảm nhận được những điều chưa từng biết.
Những bức tượng và đền đài không phải xây ra cho việc thờ cúng, chúng dùng cho việc thể nghiệm. Chúng là những phòng thí nghiệm khoa học, không có quan hệ gì với tôn giáo. Hàng thế kỉ trước đã có một khoa học thần bí nào đó dụng ý giúp cho những thế hệ sau có thể liên hệ với những thể nghiệm của thế hệ trước…không qua sách, không qua ngôn ngữ, mà qua cái sâu thẳm hơn: Cái yên lặng, thiền định và an lạc.
Khi cái yên lặng trở nên yên lặng hơn; tình bạn, tình yêu đâm chồi nảy lộc; cuộc đời bạn trong từng mỗi khoảnh khắc trở thành vũ điệu, niềm vui, lễ hội. Bạn có nghe tiếng pháo nổ ngoài kia? Bạn có bao giờ nghĩ rằng tại sao trên toàn thế giới chỗ nào cũng tổ chức lễ hội vài ngày trong năm? Vài ngày lễ hội là để bù đắp, vì xã hội đã làm mất lễ hội của chính cuộc đời bạn, cho nên nó phaỉ có cái gì đó để bù trừ.
Mỗi một nền văn hóa phải có cách bù đắp cho bạn để bạn không cảm thấy hoàn toàn mất hút trong khốn cùng và tuyệt vọng. Nhưng tất cả những bù đắp này đều là giả tạo.
Những tiếng pháo nổ và ánh đèn ngoài kia không thể làm bạn vui vẻ được. Những thứ đó chỉ dành cho trẻ con; với bạn nó chỉ làm thêm khó chịu. Ngay từ thế giới bên trong bạn đã có thể có bất tận vô vàn ánh sang, âm nhạc, niềm vui. Luôn luôn phải nhớ rằng xã hội chỉ tìm cách bù đắp cho bạn khi nó nghĩ rằng sự dồn nén của cá thể có khả năng nổ bùng một tình thế hiểm nguy. Xã hội tìm mọi phương cách để bạn giải tỏa áp lực dồn nén. Nhưng những thứ này không phải là lễ hội thực sự, nó không bao giờ có thể là sự thực. Lễ hội thực sự phải khởi đầu từ đời sống bạn và bên trong bạn. Lễ hội thực sự không thể căn cứ theo lịch, ví dụ đến đầu tháng mười một tôi sẽ tham gia lễ hội. Điên chưa! Cả năm sầu khổ bỗng dưng tôi thoát ra được khỏi khổ đau, bước ra đường nhảy múa. Cả cái cảm giác thoát khổ lẫn cái ngày đầu tháng mười một đều là giả tạo. Lễ hội ngày đầu tháng mười một qua đi rồi thì bạn sẽ bước về cái hố đen, và mọi người cũng thế, tất cả trở lại với nỗi buồn đau của mình.
Đời sống phải là một lễ hội liên tục, phải là một fesitval ánh sáng suốt năm tròn. Chỉ đến khi bạn trưởng thành, bạn mới có thể trổ hoa, bạn mới có thể biến những cái nhỏ nhoi tầm thường thành lễ hội.
Thí dụ ở Nhật bản họ có lễ trà. Trong tất cả Thiền viện và ngay cả trong từng gia đình cũng có thể thực hiện được. Trà không còn là phẩm vật bình thường nũa, người ta đã chuyển nó thành lễ mừng. nơi uống trà thiết kế theo một cách nào đó, trong một khu vườn đẹp, có hồ, có thiên nga, hoa cỏ…khách đến bỏ giày bên ngoài, vậy thôi.
Khi bước vào, bạn không được nói chuyện; bạn phải bỏ lại mọi suy nghĩ, lời nói cùng với giày dép bên ngoài. Bạn ngồi xuống trong tư thế thiền định. Người chủ, thường là một quí bà sẽ pha trà cho bạn. Động tác của người pha trà thật đẹp, giống như là nghệ sĩ múa, đi vòng quanh khách, phục vụ trà, tách, đĩa…giống như bạn là thượng đế. Thật là kính cẩn nàng cúi đầu dâng trà và bạn cũng cúi đầu trân trọng y như thế.
Một vật tầm thường như trà thôi cũng có thể được dùng tạo ra lễ hội mà ai đó khi bước ra cũng cảm thấy mình như hồi sinh, tươi trẻ lại, ngọt ngào hơn. Cái gì ta đã làm được với trà thì cũng có thể làm được với tất cả thứ khác, như với quần áo, thức ăn…Đa số con người sống như trong giấc ngủ say; ngoài ra vải vóc có vẻ đẹp riêng của nó, cảm giác riêng của nó. Nếu bạn nhạy cảm, quàn áo không chỉ để che thân chúng cũng có thể dùng biểu cảm cá tính, sở thích, văn hóa và tồn tại của bạn. Mọi việc mà bạn làm nên phải là cách thể hiện riêng của ban, nên phải có dấu ấn của bạn, như thế đời sống sẽ trở nên lên lễ hội liên tục.
Ngay cả khi bạn bị bệnh đang nằm trên giường, bạn cũng nên lấy cái thời gian này mà hưởng thụ, thời gian thư giản và nghĩ ngơi, thời gian thiền định, không lo buồn vì mình đang bị bệnh. Khi bạn bị bệnh hãy gọi bác sĩ, nhưng lúc này bạn bè quan trọng hơn thuốc men, nhất là những người yêu bạn. Thuốc men thường là phương tiện trị liệu kém nhất.
Hãy sáng tạo mọi thứ, làm ra cái tốt nhất từ cái dở nhất, điều đó tôi gọi là “nghệ thuật”. Nếu một người sống suốt một đời tạo tất cả khoảnh khắc thành cái đẹp, thành tình yêu, thành niềm vui thì cái chết tự nhiên trở thành đỉnh điểm của toàn bộ nổ lực trong đời. Giây phút cuối cùng của người đó sẽ không tồi tệ như cái chết thông thường của mọi người khác. Nếu cái chết là điều tồi tệ, có nghĩa là toàn bộ đời sống của bạn đã là một phí phạm. Cái chết nên là sự chấp nhận bình yên, sự dẫn nhập tràn đầy tình yêu vào cõi mà ta chưa biết, lời chào từ giả vui vẻ với bạn bè, với thế giới cũ. Không nên có chút gì gọi là bi kịch.
Một thiền sư, Linh Chi, đang hấp hối. Hàng ngàn đệ tử vây quanh chờ nghe bài pháp cuối cùng. Nhưng Linh Chi chỉ nằm xuống vui vẻ mỉm cười, không nói một lời. Một người thiền sư bạn cũ nhắc nhở:” Linh Chi, sao thày quên không nói những lời cuối cùng, trí nhớ thày không được tốt rồi, thày đang hấp hối, thày cố đừng quên”. Linh Chi nói:”Hãy lắng nghe này”…và trên mái nhà, hai con sóc đang chạy nhảy vui đùa. Linh Chi chỉ nói:”đẹp làm sao” rồi chết. Ngay khi ông nói “Hãy lắng nghe này” thì mọi người im lặng phăng phắc để chuẩn bị nghe những lời vĩ đại; Nhưng chỉ nghe thấy tiếng hai con sóc đùa giỡn cắn nhau chạy nhảy trên mái nhà mà thôi. Vị thày chỉ cười rồi chết.
Thực ra vị thày đã gởi đi thông điệp cuối: Đừng phân biệt chuyện lớn chuyện nhỏ, đừng phân biệt cái tầm thường cái quan trọng. Ngay phút giây đó sự kiện Linh Chi chết cũng giống như sự kiện hai con sóc chạy đuổi trên mái nhà. Không có gì khác biệt. Trong hiện sinh, tất cả đều giống nhau. Đây là toàn bộ triết học, toàn bộ sự nghiệp giảng dạy của vị thày. Chẳng có cái gì lớn chẳng có cái gì nhỏ, tất cả đều tùy thuộc vào bạn.
Bắt đầu bằng thiền định, mọi sự sẽ nảy nở trong bạn…tĩnh lặng, tinh khiết, an lạc, mẫn cảm. Mang hết những điều thủ đắc trong thiền định vận dụng trong đời sống và chia sẻ chúng, bởi vì những cái chia sẻ đều mau phát triển. Rồi đến lúc bạn chết, bạn sẽ biết không có sự chết. Bạn có thể nói tạm biệt mà không cần có nước mắt và buồn rầu, nếu có, phải chỉ là nước mắt của niềm vui.
Nhưng điều cốt tủy là phải bắt đầu bằng ngây thơ vô nhiễm. Trước tiên vất đi tất cả cặn bã thối tha mà bạn đang mang vác. Mọi người đang mang vác quá nhiều căn bã. Có một điều đáng ngạc nhiên là lại có nhiều người nói với bạn rằng đó là những hệ tư tưởng lớn, những nguyên lí lớn ! (trong trường hợp này sự thông minh không bắt đầu từ bạn, bạn chỉ mượn của người khác). Hãy thông minh tự bản thân mình.
Đời sống rất đơn giản; nó là điệu nhảy của vui mừng. Tất cả trái đất có thể tràn đầy niềm vui, tràn đầy hoan lạc, nhưng có một số người quyền thế, vì quyền lợi, lại nói rằng không ai nên cười, không ai nên vui bởi vì cuộc đời là tội lỗi, đó là một sự trừng phạt. Làm sao có thể yên vui khi bạn liên tục bị nhồi sọ rằng đời sống là sự trừng phạt, bạn đã làm sai và bây giờ đang bị giam ở trái đất này để chuộc lỗi!
Tôi phải nói lớn rằng: Đời sống không phải là ngục tù, không phải là sự trừng phạt. Đời sống là một tặng thưởng, và nó chỉ trao cho ai chắt chiu với nó, cho những ai xứng đáng với nó. Và bây giờ, quyền lựa chọn là của bạn; và bạn sẽ là kẻ có tội nếu không hưởng thụ nó. Nếu đến lúc bạn chia tay với cuộc đời mà cứ để cuộc đời y nguyên như lúc bạn bước vào, nếu bạn không làm đẹp thêm cho nó, là bạn đã chống lại hiện hữu. Xin bạn, xin hãy để lại cho đời một chút đẹp đẽ, một chút hạnh phúc, một chút hương thơm./.
Phạm Doãn dịch từ:
Osho – Beyond Enlightenment. Chapter 28

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Trận chiến bảo vệ biên giới Vị Xuyên: Bi thương - hào hùng

Cựu binh Đặng Vũ Tùng (trái) và Đỗ Quang Huy, nguyên lính trinh sát sư đoàn 356
và phía sau là cao điểm 772, Hà Giang -

Hôm nay 11-7, những cựu binh trở về chiến trường xưa để tưởng niệm đồng đội mình còn nằm lại nơi ấy.
Cao điểm 772, Hà Giang - nơi diễn ra trận đánh ác liệt ngày 12-7-1984 - Ảnh: Hoàng Điệp
Đại úy Trần Ngọc Lợi - Ảnh: Hà Hương

Những cơn mưa tầm tã tháng 7 của đất Vị Xuyên - nơi được mệnh danh là túi mưa của Hà Giang - cũng không ngăn được bước chân của những người lính tìm về.
Từ TP.HCM, Nghệ An, Yên Bái, Hà Nội... hàng trăm cựu chiến binh ngược lên vùng biên giới Thanh Thủy nơi họ đã chiến đấu trong những năm tháng tuổi trẻ chống quân Trung Quốc xâm lược, nơi máu xương của đồng đội đã hòa với đất đá, bom mìn suốt 30 năm qua. Ngày 12-7 được những người lính của sư đoàn 356 gọi là ngày giỗ trận của sư đoàn. Năm nào họ cũng tự gom góp tiền để quay lại, dù chỉ để thắp nén hương cho đồng đội.
Với những người lính sư đoàn 356, những ký ức về ngày 12-7 như những vết dằm nhức buốt trong tim. Cựu chiến binh Trần Ngọc Lợi (đại úy, nguyên trợ lý tác chiến pháo binh sư đoàn 356) bay từ TP.HCM ra Hà Nội rồi chờ chuyến xe để lên Hà Giang. Cùng với thủ trưởng và hai người đồng đội cũ của sư đoàn, ông Lợi sẽ lên Hà Giang ngay trong đêm để kịp tham gia lễ tưởng niệm ở ngã ba Thanh Thủy vào sáng nay 11-7.
"Hằng năm chúng tôi lên nghĩa trang cũng để tỏ lòng tri ân cán bộ chiến sĩ của sư đoàn đã hi sinh ở Vị Xuyên. Trong lòng vẫn còn nhiều trăn trở, còn nhiều người nằm lại mà chưa được quy tập về nghĩa trang. Muốn có một nấm mộ cho họ để thắp hương cũng không có. Thứ hai, do chiến tranh và đặc biệt hoàn cảnh lúc bấy giờ, nên khi ra về chẳng ai nghĩ đến việc giữ lại giấy tờ. Nhiều anh em thương binh mất hết giấy tờ nên không làm được chế độ gì. Đó là hai điều mà tôi trăn trở nhất"
Đại tá NGUYỄN ĐỨC CAM (nguyên sư đoàn phó, tham mưu trưởng sư đoàn 356)
* Nhiều năm nay, những người lính của sư đoàn 356 luôn trở về chiến trường xưa Hà Giang vào ngày 12-7. Ngày này có ý nghĩa như thế nào đối với riêng ông và những đồng đội cũ ở sư đoàn?
- Ông Trần Ngọc Lợi: Sau khi sư đoàn lật cánh từ Lào Cai sang Thanh Thủy (Hà Giang), phối hợp với sư đoàn 313 để đánh nhằm đẩy lùi quân địch về bên kia biên giới, sư đoàn 356 được giao nhiệm vụ đánh chính, là đơn vị cửa mở. Ngày 1-6-1984 một trận đánh nhỏ đã nổ ra nhưng không thành công. Bộ tư lệnh quân khu và cấp trên quyết định lấy ngày 12-7-1984 là ngày tấn công tổng lực, là ngày sư đoàn dốc toàn lực để giành lấy các cao điểm 685, 1509, 772, 1030. Trong thế trận địch ở trên núi, ta ở dưới các chân núi, trận đánh diễn ra hết sức khốc liệt. Ta đã giành lại được điểm cao 772 và 685 nhưng sự hi sinh của anh em chiến sĩ sư đoàn vô cùng to lớn. Hàng trăm người chủ yếu thuộc sư đoàn 356 đã ngã xuống lúc 3g sáng 12-7.
30 năm đã qua, rất nhiều trong số hàng trăm đồng đội của chúng tôi nằm lại ở các cao điểm vẫn chưa được trở về với gia đình.
Năm 1988, sư đoàn giải thể, không còn phiên hiệu trong Quân đội nhân dân Việt Nam nữa. Bây giờ các anh em thương binh muốn làm chế độ chính sách không ai chứng nhận nữa. Rất nhiều người không biết về cuộc chiến ở Hà Giang.
* Thưa ông, làm cách nào để có thể tưởng nhớ những người lính của sư đoàn 356 một cách thiết thực nhất?
- Chúng tôi mong muốn Bộ Quốc phòng có chính sách tổ chức tìm lại hài cốt của cán bộ, chiến sĩ. Hiện nay có rất nhiều xương cốt của anh em đồng đội trên đó. Ai tự phát thì đi tìm thôi, nhưng tìm ở đâu. Phải có sự trợ giúp của Nhà nước để yên lòng các bà mẹ, các bà vợ. Bao nhiêu năm nay họ buồn lắm. Con mình, chồng mình nằm trong đất của mình mà không thể tìm được. Chừng ấy nghĩa trang nhưng có những nấm mồ có gì đâu, có tên nhưng không có người. Chúng ta có thể tìm mộ các chiến sĩ từ thời chiến tranh chống Mỹ, còn chiến tranh chống Trung Quốc gần hơn thì không làm được. Ngày đó, phía trước là trận tuyến chết chóc, phía sau là thị xã Hà Giang yên ả, hòa bình. Người lính bước chân khỏi thị xã để lên trận tuyến đánh quân thù không dễ đâu. Họ biết có thể ngày mai sẽ hi sinh nhưng họ vẫn làm, họ vẫn đi.
* Lịch sử dường như có sự lặp lại khi đất nước chúng ta liên tiếp phải đối diện với những hành động gây hấn từ trên bộ đến trên biển. Với tư cách là những người đã tham gia trận chiến bảo vệ biên giới 30 năm về trước, ông có suy nghĩ như thế nào khi theo dõi những câu chuyện thời sự bây giờ?
- Trong lịch sử hàng ngàn năm, Trung Quốc chưa bao giờ ngừng dã tâm đối với nước ta. Nếu chúng ta không nói với thế hệ trẻ về lòng yêu nước thì làm sao bảo vệ đất nước. Và muốn giáo dục thì việc đầu tiên là phải nói thật với thế hệ trẻ về lịch sử đất nước, kể cả bi thương lẫn hào hùng, không thể che giấu được.
HÀ HƯƠNG thực hiện
* Sư đoàn 356 nguyên gốc là sư đoàn 316B được thành lập vào cuối năm 1974 để làm lạc hướng quân địch. Kết thúc chiến tranh, sư đoàn 356 chuyển sang làm kinh tế, tham gia xây dựng đường tàu Thống Nhất, làm kinh tế mới ở Quế Phong (Nghệ An). Đến tháng 2-1979, Trung Quốc tấn công ở biên giới, sư đoàn chuyển sang làm huấn luyện chiến đấu và được điều từ Nghệ An ra Lào Cai để bảo vệ biên giới phía Bắc. Từ năm 1984, quân Trung Quốc lấn sâu vào cao điểm 772, 1509, 1030 và 685 (thuộc xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang). Đơn vị được điều lên làm nhiệm vụ đánh đẩy lùi quân địch để bảo vệ biên giới.
* Dự kiến có khoảng 1.000 cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ sẽ có mặt tại Hà Giang để tham dự lễ kỷ niệm của sư đoàn 356. Sáng 11-7, các cựu chiến binh và thân nhân thắp hương tại Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ở ngã ba Thanh Thủy. Tiếp đó, sẽ làm lễ tại cây hương tưởng niệm những liệt sĩ hi sinh nhưng chưa quy tập được hài cốt. Đây là công trình do chính các cựu chiến binh sư đoàn 356 tự góp tiền xây dựng. Sáng 12-7 sẽ diễn ra lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc tại nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang).

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Viết trong dịp giỗ cha lần thứ 12




CHA TÔI
Mang kiếm đi trọn tuổi thanh xuân- không thành hồn liệt sĩ (*)
Cha về
           Chiếc ba lô trên vai chất đầy thương nhớ
Con chưa kịp nhận cha
            và chiếc áo sờn vai mẹ chưa kịp vá
Cha lại đi…
Đường hành quân Thái-Lào-Nam-Bắc
Những trận sốt rét rừng tái sạm làn da
Gần hai mươi năm vợ xa chồng, con chẳng được gần cha…
Cuối cuộc đời,
           vẫn chiếc ba lô
                        chiếc ba lô nặng thêm vì những giấy khen,
                        những tấm huân chương và bệnh tật
            vẫn đôi dép cao su
                        giờ quai hay tuột.
            Tóc bạc nửa mái đầu…
Con đón cha về với cuốn sổ hưu…
                     Chân chậm, mắt mờ
                     Cha ngồi trầm tư với bộ bàn ghế mọt (**)
Những tấm bằng khen không che được mái nhà động mưa là dột
Những chiếc huân chương không đổi được gạo cơm…

Cha vĩnh biệt vợ con trong nặng trĩu nỗi buồn
               NHÂN TÌNH- THẾ THÁI
 Hơn chục năm, con ngoái đầu nhìn lại
  Và đau thêm nỗi đau của Cha.



(*) Câu đối mừng song thọ cho ba và mẹ tôi của nhà giáo Đàm Vân Phúc:
     Mang kiếm đi trọn tuổi thanh xuân - không thành hồn liệt sĩ
     Cắm sào đợi phai thời má đỏ - chưa hóa đá vọng phu
(**) Cơ quan tặng khi về hưu