Thư giãn cuối tuần đọc
một truyện ngắn của Alexander Kuprin (Nga)
Nicolai Evgrafuvitr Almazov sốt ruột đợi vợ mở cửa; và
không cởi áo bành tô, vẫn đội mũ, anh đi thẳng vào phòng làm việc của mình. Vợ
anh, chỉ vừa mới nhìn thấy vẻ mặt cau có với cặp lông mày nhíu lại gần nhau và
vành môi dưới cắn chặt một cách giận dữ của chồng, lập tức hiểu rằng đã xảy ra
một chuyện gì đó rất rủi ro... Nàng im lặng đi theo chồng. Vào đến phòng,
Almazov đứng yên chừng một phút, mắt nhìn trân trân vào một điểm nào đó ở trong
góc. Rồi anh buông tay, thả chiếc cặp rơi xuống sàn mở tung ra, buông mình ngồi
phịch lên chiếc ghế, giận dữ đan những ngón tay vào nhau bẻ kêu răng rắc…
Almazov là sĩ quan trẻ nhà nghèo, đang theo học ở Học viện Bộ Tổng tham mưu, và
bây giờ mới từ trường về. Hôm nay anh phải đem trình giáo sư bài tập thực hành
cuối cùng nhưng đồng thời cũng là khó nhất - một bản vẽ địa hình khu vực.
Cho đến tận bây giờ các môn thi đều trôi qua trót lọt, và chỉ có Chúa trời với
vợ của Almazov mới biết được điều đó đòi hỏi những công sức khốn khổ như thế
nào... Bắt đầu từ việc ngay cả kỳ thi tuyển vào Học viện cũng tưởng như không
thể nào vượt qua nổi. Hai năm liền Almazov đường hoàng trượt vỏ chuối, và chỉ đến
năm thứ ba bằng lao động kiên trì, anh mới vượt được các trở ngại trên đường
đi. Nếu không có vợ, chắc anh không đủ can đảm, nhiệt tình và đã khoát tay bỏ mặc
tất cả. Những Verotrca không cho phép chồng giảm sút tinh thần và luôn tìm cách
làm cho anh được sảng khoái, tin tưởng... nàng đã học cách đón nhận những thất
bại mới của chồng bằng bộ mặt trong sáng, gần như vui vẻ. Nàng từ chối bản thân
tất cả mọi nhu cầu cần thiết để dành cho chồng những tiện nghi, mặc dù khiêm tốn
nhưng rất quan trọng với một người lao động trí óc. Nàng còn tuỳ theo sự cần
thiết, là người chép lại, người vẽ kỹ thuật, người đọc hộ, người kiểm tra và đồng
thời là cuốn sổ ghi chép, tra cứu của anh.
Năm phút im lặng nặng nề trôi qua, trong phòng chỉ nghe tiếng đồng hồ treo tường
khập khiễng kêu buồn bã và tẻ ngắt theo một điệu đã trở nên quá quen thuộc: một
- hai, ba - ba: hai tiếng đầu trong tròn, tiếng thứ ba rè. Almazov ngồi, vẫn
không cởi mũ áo, người cúi nghiêng về một bên.
Còn Vera đứng cách anh hai bước, cũng im lặng, khuôn mặt xinh đẹp hằn rõ vẻ đau
khổ căng thẳng. Cuối cùng, nàng lên tiếng trước, với một sự thận trọng như thường
thấy ở phụ nữ khi họ nói bên giường người thân đang ốm nặng:
- Kolya, việc của anh thế nào? Tồi lệ lắm à?
Anh chỉ nhún mạnh vai và không trả lời.
- Kolya, bản vẽ của anh bị loại à? Anh nói đi, có thế nào để chúng ta cùng bàn
chứ.
Almazov quay nhanh về phía vợ và bắt đầu nói một cách cáu kỉnh và nóng nảy, với
cái giọng người ta thường dùng để trút nỗi ấm ức dồn nén đã lâu trong lòng:
- Ừ đấy ừ đấy, người ta đã loại bỏ nó đi, nếu như em muốn biết đến thế! Chẳng lẽ
em không thấy sao? Hỏng bét mẹ nó cả rồi?... Cả cái đống giấy lộn này - anh cáu
kỉnh lấy chân đá vào chiếc cặp đựng bản vẽ - cả cái đống giấy lộn này đem mà vứt
vào bếp cho rảnh mắt! Đấy, Học viện đấy! Sau một tháng nữa lại trở về trung
đoàn, còn nhục nhã, tai tiếng nữa chứ! Và tất cả chỉ là cái vết bẩn đáng nguyền
rủa ấy… Mẹ kiếp!…
- Vết bẩn nào, anh Kolya? Em không hiểu gì cả.
Nàng ngồi xuống tay vịn của chiếc ghế bành và vòng tay ôm lấy cổ chồng. Anh
không cưỡng lại, nhưng vẫn tiếp tục ngồi nhìn vào góc nhà với vẻ mặt cau có.
- Vết bẩn nào, Kolya? - Nàng dịu dàng hỏi lại.
- Hừ, thì một vết bẩn bình thường, mực xanh. Em biết đấy, hôm qua anh thức đến
tận ba giờ, cần phải làm cho xong. Bản vẽ được kẻ trang trí rất đẹp, điều đó ai
cũng công nhận. Nhưng anh thức khuya quá, mệt, tay bắt đầu run, và làm vương ra
một giọt mực... Vết mực lại quá đậm mới ác chứ... Anh bèn tẩy đi, nhưng chỉ làm
cho nó loang thêm ra. Ngồi nghĩ, nghĩ mãi, không biết làm thế nào đây, cuối
cùng anh quyết định vẽ lên đấy một khóm cây... Rất đẹp đến nỗi không thể nào biết
được đó vốn là một vết mực dây ra. Hôm nay mang đến cho giáo sư. "à, thế,
thế. Còn cái bụi cây này, thưa ngài thượng úy, ở đâu ra thế?" đáng lẽ anh
nên kể thật với giáo sư. Có thể ông ta cũng chỉ cười rồi cho qua... Nhưng
không, không cười đâu - ông ta là một người Đức, rất cẩn thận, giáo điều. Anh
bèn nói với ông ta: "ở đấy quả có một bụi cây thật ạ". ông ta nói:
"Không đâu, chỗ này tôi biết rõ như năm ngón tay mình, và ở đây không thể
có bụi cây nào cả". Lời qua tiếng lại, cuối cùng thành chuyện rầy rà. Mà
lúc đó lại còn có mặt nhiều sĩ quan khác nữa. "Nếu như anh cứ khăng khăng
rằng ở cái đèo này có một bụi cây, thì ngày mai mời anh cùng tôi đi ngựa đến đấy
xem... Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy rằng, hoặc là làm việc cẩu thả, hoặc là vẽ
lại từ bản đồ tỷ lệ ba verxta..."
- Tại sao ông ta lại khẳng định một cách chắc chắn rằng ở đó không có bụi cây?
- Ôi lạy Chúa, lại còn tại sao? Em cứ hỏi những câu như trẻ con. Vì rằng đã hơn
hai mươi năm nay ông ta biết cái khu vực này còn rõ hơn phòng ngủ của mình. Một
tay giáo điều bậc nhất trên thế giới này? Lại còn là người Đức nữa chứ... Thế
cho nên cuối cùng hoá ra anh là người nói dối, rồi lại còn cãi bừa... Ngoài
ra... Trong lúc nói, anh luôn tay túm những que diêm cháy dở trong chiếc gạt
tàn nằm trước mặt và bẻ nát chúng ra thành từng mẩu nhỏ, và khi nói xong, lại
giận dữ ném chúng xuống sàn nhà. Có vẻ như con người khoẻ mạnh này sắp oà lên
khóc.
Hai vợ chồng ngồi rất lâu với những suy tính lo âu nặng nề, không ai nói một lời
nào. Nhưng Verotrca bỗng đột ngột rời ghế ngồi, đứng thẳng dậy.
- Này, anh Kolya, chúng ta cần phải đi ngay bây giờ! Mặc áo vào, nhanh lên!
Nicolai Evgrafovitr co rúm người lại như đang bị một cơn đau không chịu nổi.
- Ôi Vera, đừng nói ngớ ngẩn! Chẳng lẽ em nghĩ rằng anh sẽ đến thanh minh và
xin lỗi sao? Điều đó có nghĩa là tự ký vào bản án kỷ luật cho chính mình! Thôi,
xin em đừng làm những điều ngu ngốc nữa.
- Không, không ngu ngốc đâu - Vera dậm chân phản đối - Không ai bắt anh phải
xin lỗi cả. Mà nếu là, nếu ở chỗ đó không có cái bụi cây đáng nguyền rủa kia
thì ta phải trồng nó vào ngay.
- Trồng? Bụi cây ấy ư?… Nicolai Evgrafovitr trợn tròn mắt.
- Vâng, trồng vào. Nếu như anh đã lỡ nói không đúng, thì ta cần phải tìm cách
chữa lại. Anh chuẩn bị đi, đưa cho em cái mũ... áo ngoài... không có ở đấy đâu,
xem trong tủ kia... cái ô nữa!
Trong khi Almazov, vẫn cố tình tìm cách phản đối nhưng không được, đang tìm mũ
và áo ngoài cho vợ, Vera kéo các ngăn bàn và ngăn tủ ra, lấy hộp, giỏ treo xuống,
lục tung và vứt chúng lăn lóc trên sàn nhà.
- Vòng khuyên... cái này không đáng giá:.. Họ sẽ trả chẳng được bao nhiêu...
Còn chiếc nhẫn mặt ngọc này đắt hơn... Rồi sau nhất định phải chuộc lại... Nếu
mất đi thì tiếc lắm. Vòng đeo tay... cũng chẳng được nhiều... Hơi cũ và bị
méo... Hộp thuốc lá bằng bạc của anh đâu, Kolya?
Sau năm phút, tất cả những đồ trang sức quý giá đã được bỏ vào túi xách nhỏ.
Vera, sau khi mặc xong quần áo, một lần nữa nhìn quanh căn buồng xem còn quên
gì không.
- Ta đi thôi - Cuối cùng nàng cương quyết nói.
- Nhưng chúng ta đi đâu bây giờ? - Almazov cố tìm cách phản đối - Trời sắp tối
rồi, đến chỗ đó phải gần mười verxta.
- Đừng nói lôi thôi nữa, nào đi!
Trước hết hai vợ chồng Almazov ghé vào hiệu cầm đồ. Người định giá của hiệu, có
lẽ từ lâu đã quen những cảnh bất hạnh hàng ngày của người đời, nên không chút động
lòng. Vẻ thành thạo và kỹ lưỡng, ông ta xem xét các vật mang đến lâu đến nỗi
Vera đã bắt đầu nổi cáu Nàng đặc biệt tự ái là sau khi dùng axit để thử và đặt
lên bàn cân chiếc nhẫn ngọc, ông ta định giá ba rúp.
- Nhưng đây là ngọc thật kia mà - Vera phẫn nộ - Nó giá ba mươi bẩy rúp, mà đấy
cũng là chưa gặp dịp.
Ông già định giá với vẻ hững hờ mệt mỏi nhắm mắt lại nói:
- Chúng tôi không cần biết cái đó, thưa bà. Chúng tôi không nhận các loại ngọc,
đá - ông ta vừa nói vừa ném vật khác lên bàn cân - chúng tôi chỉ định giá kim
loại thôi ạ.
Nhưng bù lại chiếc vòng đeo tay cũ và méo, hoàn toàn bất ngờ đối với Vera, lại
được giá rất đắt. Tổng cộng được gần hai mươi ba rúp. Số tiền đó đã quá đủ cho
họ.
Khi hai vợ chồng Almazov đến gặp người phụ trách trồng vườn, đêm trắng
Petersburg đã trải khắp bầu trời và mặt đất một màu xanh sữa. Ông già trồng vườn,
một người Séc nhỏ bé, đeo kính gọng vàng, vừa mới bắt đầu ngồi xuống bàn ăn tối
cùng gia đình. Ông ta rất ngạc nhiên và không hài lòng với sự xuất hiện của hai
người khách muộn màng cùng lời đề nghị khác thường của họ. Có lẽ ông ta cho ở
đây có một sự bịp bợm nào đó nên trả lời những lời cầu xin của Vera một cách rất
khô khan.
- Xin lỗi bà. Nhưng tôi không thể phái công nhân đi đến một chỗ xa như thế vào
ban đêm được. Nếu như sáng mai bà cần, tôi xin sẵn sàng hầu giúp.
Đến nước đó thì chỉ còn lại một cách duy nhất: kể cho ông già trồng vườn nghe tỉ
mỉ toàn bộ câu chuyện về vết bẩn đáng nguyền rủa kia. Và Vera đã làm như vậy.
Lúc đầu ông già trồng vườn nghe với thái độ nghi hoặc, hầu như là thù địch,
nhưng khi nghe Vera kể đến đoạn nàng nảy ra ý định trồng một bụi cây, ông già tỏ
ra chăm chú hơn và mấy lần mỉm cười một cách thông cảm.
- Hừ, nếu vậy thì còn biết làm sao được - khi nghe Vera kể xong, ông già trồng
vườn đồng ý, nói: - Thế ông bà cần trồng loại cây gì?
Nhưng tất cả các loại cây có trong vườn đều không thật thích hợp; cuối cùng, muốn
hay không muốn, họ đành phải chọn bụi hoa tử đinh hương.
Mặc dù Almazov ra sức thuyết phục vợ về nhà trước, Vera vẫn nhất quyết đi theo
chồng ra ngoại ô thành phố, và trong suốt thời gian các công nhân trồng cây,
nàng cứ xăng xái làm phiền mọi người. Cuối cùng, chỉ sau khi tin chắc lớp đất
xung quanh gốc cây mới trồng hoàn toàn không khác gì bãi cỏ bao phủ cả ngọn
đèo, nàng mới đồng ý về nhà.
Ngày hôm sau, Vera không thể nào ngồi yên ở nhà được, nàng đi ra tận ngoài đường
để đón chồng. Ngay từ đằng xa, chỉ qua bước đi linh lợi và hơi nhún nhảy của
anh, nàng đã biết câu chuyện với khóm hoa tử đinh hương đã kết thúc tốt đẹp. Quả
nhiên, Almazov người bám đầy bụi và đi không vững vì đói và mệt, nhưng vẻ mặt rạng
lên niềm vui chiến thắng.
- Tốt lắm! Rất tuyệt! - Còn cách xa mười bước, nhìn vẻ mặt lo lắng của vợ, anh
đã hét to - Em biết không, anh cùng với giáo sư đi đến bên khóm cây tử đinh
hương đó. Ông ta nhìn, nhìn mãi, thậm chí ngắt cả lá cho vào miệng nhai thử.
"Cây này là cây gì?" - ông ta hỏi.
Anh đáp: "Tôi không biết ạ, thưa Giáo sư" - "Hình như là Bạch
Dương phải không?" - ông ta nói. Anh đáp: "Có lẽ là Bạch Dương ạ,
thưa giáo sư". Lúc đó ông ta quay lại phía anh và thậm chí còn chìa tay
ra: "Xin lỗi anh, thượng úy. Có lẽ tôi bắt đầu già rồi, một khi đã quên những
bụi cây này". Ông ta là một giáo sư rất tốt, thông minh lắm. Quả thực lúc
đó anh thấy thương là đã đánh lừa ông ta. Một trong những giáo sư tốt nhất chỗ
bọn anh đấy. Kiến thức phải nói là khủng khiếp. Và khả năng đánh giá địa hình
nhanh nhạy, chính xác đến mức phải ngạc nhiên.
Nhưng đối với Vera, những điều anh kể còn là quá ít. Nàng mấy lần bắt chồng kể
đi kể lại tỉ mỉ toàn bộ cuộc nóái chuyện của anh với giáo sư. Nàng quan tâm hỏi
kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ nhặt nhất: nét mặt giáo sư như thế nào, giọng nói
ông ta ra sao khi than thở về tuổi già của mình, và bản thân Kolya cảm thấy gì
lúc đó
Rồi họ đưa nhau về nhà, làm như trên đường phố ngoài hai người ra không còn có
ai khác: khoác tay nhau vừa đi vừa cười không ngớt. Những người qua đường ngạc
nhiên dừng lại nhìn theo cặp nam nữ kỳ lạ này.
Nicolai Evgrafovitr chưa bao giờ ăn ngon miệng như trưa hôm đó...
Sau bữa ăn, khi Vera mang một cốc nước trà vào phòng làm việc cho anh, hai vợ
chồng nhìn nhau phá ra cười.
- Anh... anh cười gì? - Vera hỏi.
- Thế... em cười gì?
- Không, anh nói trước, rồi em mới nói.
- Không có gì cả, chỉ vớ vẩn thôi. Anh nhớ lại câu chuyện khóm hoa tử đinh
hương mà.
- Thế còn em?
- Em cũng chỉ vớ vẩn thôi, cũng nhớ lại chuyện khóm hoa tử đinh hương. Em muốn
nói rằng từ nay, tử đinh hương sẽ mãi mãi là loại hoa em yêu thích nhất.
Đoàn Tử Huyến (dịch)