Trang

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

“THỬ LỬA” một thoáng ký ức của người lính



Dịp kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường có một vài bạn mà từ ngày ra trường chưa một lần gặp lại cũng đến dự. Một trong số đó là bạn Nghiêm Sĩ Chúng. NSC chỉ học cùng chúng tôi có một năm rồi nhập ngũ. Vào binh chủng không quân từ năm 1965 một thời gian thì anh được đi học taị khoa vũ khí, trường ĐH KTQS (Nay là học viện KTQS). Sau khi tốt nghiệp, anh được phân công về công tác tại khoa cơ bản của trường. 
Thiếu tướng Nghiêm Sĩ Chúng
Người đứng không đội mũ

          Về bộ môn chưa được bao lâu anh được lệnh ra chiến trường. Danh nghĩa là đi “thực tế chiến trường” nhưng suốt trong hơn một năm ấy cuộc sống của các anh là cuộc sống của những người lính ngoài mặt trận, giữa bom rơi đạn nổ, trực tiếp đối mặt kẻ thù tại một mặt trận ác liệt bậc nhất trong cả 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Có người đã ngã xuống ko bao giờ trở về, có người trở về với thương tích chiến tranh theo suốt cuộc đời.
          Có lần đơn vị NSC bị pháo kích, xe, pháo và người bị thương vong thiệt hại nặng nề. Đồng đội nhiều người vẫn đinh ninh anh đã hy sinh, nhưng NSC vẫn trở về nguyên vẹn để rồi cho ra đời những cuốn sách ghi chép lại quãng thời gian đất nước chìm trong đạn bom, và lớp lớp thanh niên nối tiếp nhau ra tuyến lửa với khát vọng thống nhất đất nước.
          Là một đứa con miền nam tập kết, việc giải phóng miền nam để trở về gặp lại gia đình cũng là một động lực thúc đẩy NSC hăng hái lên đường.
          Giữa đặc khu Vĩnh linh bên bờ sông Bến hải ấy, anh được biết 2 chú của anh cũng đang có mặt tại mặt trận đó nhưng chỉ gặp được một người và một trong 2 chú đã hy sinh sau đó ít lâu. Cha của NSC sau khi đi học ở nước ngoài về cũng vào chiến trường, khi qua chỗ đơn vị của NSC, cha anh không kịp gặp con, chỉ gửi lại cho anh mấy dòng ngắn ngủi: “ Cuộc chiến đấu trên chiến trường đang diễn ra rất ác liệt. Con hãy giữ vững tinh thần, không sợ gian khổ hy sinh, anh dung tiến lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Hẹn gặp lại sau ngày chiến thắng  ”.
          Đọc thư cha có lẽ anh hơi thất vọng: “Tôi chưa hề đọc một bức thư nào như thế”, NSC ngỡ ngàng, nhưng rồi anh đã hiểu ý cha, hoàn cảnh lúc đó không thể viết dài dòng…
          Tất cả những điều đó mình biết được qua cuốn hồi ký “THỬ LỬA” mà NSC mới xuất bản. Cuốn hồi ký dày 165 trang do nhà xuất bản QĐND ấn hành, được các thày, bạn và lãnh đạo học viện KTQS đánh giá cao, nhưng với NSC anh viết với mục đích ghi lại những kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời quân ngũ và hơn thế nữa, anh “hy vọng rằng một ngày nào đó hồi ký THỬ LỬA sẽ đến tay những người đồng đội của tôi ở trung đoàn 202. Họ sẽ nhận ra mình trong đó và chúng tôi có thể có dịp gặp lại nhau.”(NSC)



Nhân ngày kỷ niệm Quân đội nhân dân Việt nam, để tri ân những người đã và đang phục vụ trong quân đội, nhất là những người cầm súng bảo vệ ĐẤT NƯỚC, tôi không biết nói gì vì cảm thấy những lời chúc tụng những khẩu hiệu hoan hô, những lời ngợi ca sáo rỗng…hình như đã nhàm chán và vô nghĩa. Xin giới thiệu cuốn hồi ký của một người bạn, một chiến sĩ QĐND đã cống hiến toàn bộ tuổi trẻ và sức lực cho công cuộc thống nhất đất nước và hiện đang mang trong mình căn bệnh quái ác: Ung thư, nhưng vẫn kiên cường chiến đấu chống lại bệnh tật với sự lạc quan, yêu đời và rất mong được gặp lại những người đồng đội cũ.
Tôi cũng xin gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả ngững người bạn đã từng qua “THỬ LỬA”